Phẫu thuật điều trị khe hở vòm

Liên Hệ Ngay
Phẫu thuật điều trị khe hở vòm - Dr Dinh Phuong

Khe hở vòm là dị tật bẩm sinh, hình thành từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, làm ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và ăn uống. Phẫu thuật điều trị khe hở vòm nhằm phục hồi cấu trúc và chức năng của vòm hầu, giúp trẻ phát triển bình thường.

Khe hở vòm là gì?

Vòm là phần mái của khoang miệng, ngăn cách giữa khoang mũi và khoang miệng. Vòm miệng bao gồm hai phần: vòm cứng và vòm mềm.

Vòm cứng là phần phía trước, được cấu tạo từ xương và nằm trong vòng cung của nướu và răng. Vòm mềm là phần phía sau, mềm mại hơn và gắn liền với vòm cứng. Cuối vòm mềm có lưỡi gà treo xuống. Vòm mềm chứa nhiều cơ nhỏ quan trọng cho việc phát âm và nuốt.

Trong ba tháng đầu thai kỳ, vòm miệng hình thành từ hai ụ hàm trên ở hai bên, phát triển vào giữa và hợp nhất theo đường dọc giữa. Nếu quá trình này không diễn ra như bình thường, hai bên vòm không kết nối với nhau tại đường giữa, dẫn đến khe hở vòm. Khe hở vòm có thể xuất hiện ở phần vòm mềm, vòm cứng, hoặc cả hai. Ngoài ra, khe hở vòm cũng có thể đi kèm với khe hở môi và khe hở xương hàm trên.

Nguyên nhân gây khe hở vòm có thể do di truyền, sử dụng thuốc, hút thuốc, uống rượu, hoặc thiếu acid folic trong thai kỳ. Cũng có thể do kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường.

Cấu trúc giải phẫu của trẻ bình thường và trẻ bị khe hở vòm

Cấu trúc giải phẫu của trẻ bình thường và trẻ bị khe hở vòm

Ảnh hưởng của khe hở vòm

Khi bị khe hở vòm miệng, các cơ quan trọng cho việc phát âm bị tách rời, làm không thể tạo ra sự kín đáo cần thiết giữa miệng và mũi, dẫn đến hiện tượng rò khí qua mũi khi nói, gây ra tiếng nói không bình thường. Ngoài ra, khe hở còn khiến thức ăn và chất lỏng có thể trào ra qua mũi khi ăn uống.

Trẻ bị khe hở vòm miệng cũng dễ bị nhiễm trùng tai giữa do tích tụ dịch trong tai giữa. Thông thường, dịch này sẽ thoát qua ống Eustachian vào họng. Tuy nhiên, do cơ không hoạt động hiệu quả, dịch không thoát ra được, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Những trẻ này thường cần đặt ống thông vào màng nhĩ để thoát dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tóm lại, khe hở vòm khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong ăn uống, hô hấp, phát âm và hòa nhập với xã hội. Để có thể cải thiện lại chức năng của vòm hầu, trẻ cần được phẫu thuật tạo hình vòm.

Khi nào trẻ có thể được phẫu thuật điều trị khe hở vòm?

Phẫu thuật điều trị khe hở vòm miệng thường được thực hiện khi trẻ từ 9-12 tháng tuổi, trước khi trẻ bắt đầu nói để đảm bảo trẻ phát triển tốt mà không ảnh hưởng đến chất lượng phát âm.

Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp, cần chờ đến khi ổn định mới tiến hành phẫu thuật. Cha mẹ cần chú ý đến dinh dưỡng của trẻ để đảm bảo trẻ có thể trạng tốt, cân nặng đủ, đáp ứng đủ các điều kiện phẫu thuật điều trị khe hở vòm.

Quá trình phẫu thuật khe hở vòm diễn ra như thế nào?

Hiện nay, có nhiều phương pháp tạo hình vòm khác nhau. Sự lựa chọn kỹ thuật tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của khe hở và kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Tuy nhiên, tất cả đều nhắm đến các mục tiêu:

  • Đóng kín khe hở
  • Phục hồi cấu trúc giải phẫu về trạng thái bình thường
  • Đảm bảo chức năng vòm khi nói và nuốt

Phần vòm mềm:

  • Đường thẳng: Rạch niêm mạc hai bên khe hở, giải phóng cơ vòm khỏi điểm bám, khâu lại cơ và niêm mạc.
  • Đường chữ Z (Furlow Palatoplasty): Thay đổi hướng cơ nâng vòm, tăng chiều dài vòm mềm.
Tạo hình vòm kỹ thuật đường chữ Z (Furlow palatoplasty)

Tạo hình vòm kỹ thuật đường chữ Z (Furlow palatoplasty)

Phần vòm cứng: Che phủ khe hở bằng niêm mạc là đủ, không cần can thiệp vào phần xương.

  • Kỹ thuật Von-Langenbeck: Tách niêm mạc khỏi xương, vẫn giữ liên kết với lợi phía trước miệng, tăng cường máu cho vạt niêm mạc nhưng không đẩy phần vòm về phía sau.
  • Kỹ thuật Veau-Wardill-Kilner: Tách niêm mạc như trên nhưng không giữ liên kết với lợi, đẩy vòm về phía sau, tăng chiều dài vòm nhưng có nguy cơ thiếu máu cho vạt niêm mạc.

Một số biến chứng thường gặp sau phẫu thuật khe hở vòm

  • Chảy máu sau phẫu thuật: Trong vòng 48 giờ đầu sau phẫu thuật khe hở vòm, hiện tượng rỉ máu nhẹ là có thể xảy ra và với mức độ này thì không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu chảy máu nhiều sẽ cần phải cầm máu kịp thời để bác sĩ thực hiện các bước tiếp theo.
  • Lỗ thông mũi – miệng: Nguy cơ thủng vòm, hình thành nên lỗ thông mũi – miệng có thể do chăm sóc không tốt, bục vết mổ do nhiễm trùng dẫn đến tình trạng ăn sặc.
  • Nhiễm trùng: Vì vòm là cấu trúc nằm trong khoang miệng, sau khi phẫu thuật không thể băng kín lại được như vết mổ ngoài da, nên sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không làm sạch vùng hòm sau khi ăn.
  • Di chứng nói ngọng: Một số trẻ gặp vấn đề phát âm sau phẫu thuật do thiểu sản vùng hầu, có thể cần can thiệp ngôn ngữ hoặc phẫu thuật ở thì tiếp theo.

Lưu ý khi phẫu thuật điều trị khe hở vòm

Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa để được tư vấn về thời điểm và phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất cho tình trạng của con. Điều trị toàn diện khe hở vòm là một quá trình lâu dài, yêu cầu sự hợp tác của nhiều chuyên gia và sự hỗ trợ của gia đình. Phẫu thuật là bước khởi đầu quan trọng, có tác động lớn tới kết quả điều trị sau này của trẻ, vì vậy nên lựa chọn các cơ sở uy tín với các chuyên gia phẫu thuật có đào tạo và kinh nghiệm chuyên sâu.

Cần lưu ý rằng mặc dù một số điều chỉnh về môi, mũi có thể được thực hiện trong quá trình điều trị khe hở vòm, những cấu trúc này có thể tiếp tục thay đổi khi trẻ lớn lên. Vì vậy, để đạt được kết quả thẩm mỹ tối ưu, trẻ có thể cần phải tiếp tục điều chỉnh thông qua phẫu thuật tạo hình mũi/môi sau này.

Đặt lịch tư vấn với Bác sĩ Phượng

Liên Hệ Ngay