Phẫu thuật điều trị khe hở môi
Phẫu thuật tạo hình khe hở môi là bước đầu tiên và nền tảng cho việc điều trị dị tật này trong tương lai của trẻ. Quá trình này, còn gọi là phẫu thuật tạo hình môi mũi thì đầu, sẽ cần được tiếp tục theo dõi và điều chỉnh qua các giai đoạn phát triển của trẻ để đạt được kết quả tốt nhất. Hiện có nhiều kỹ thuật phẫu thuật khác nhau được áp dụng, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và quyết định của phẫu thuật viên.
Khe hở môi là gì?
Khe hở môi, hay còn gọi là sứt môi hở hàm ếch, là một dị tật bẩm sinh xảy ra khi trẻ còn trong bụng mẹ. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc tác động của môi trường như việc sử dụng thuốc (corticosteroid, anticonvulsant,…), rượu, thuốc lá hoặc thiếu hụt axit folic,… Trong nhiều trường hợp, cả hai yếu tố di truyền và môi trường đều có thể góp phần gây ra dị tật này, làm cho việc xác định nguyên nhân chính xác trở nên khó khăn.
Nếu không được điều trị, khe hở môi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng như khả năng nói, ăn uống và tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Các dạng khe hở môi
Khe hở môi một bên
- Khe hở môi màng (A): Là dạng khe hở thể ẩn, khó phát hiện trên lâm sàng, thường chỉ là một đường gờ hoặc vết rãnh nhỏ trên phần đỏ của môi.
- Khe hở môi không toàn bộ (B): Khe hở xảy ra ở cả ba lớp của môi (da, cơ, niêm mạc) và kéo dài một phần từ viền môi đến nền mũi.
- Khe hở môi toàn bộ (C): Khe hở đi qua cả ba lớp của môi (da, cơ, niêm mạc) và lan hết chiều dài từ viền môi lên đến nền mũi.
Các dạng khe hở môi một bên
Khe hở môi hai bên
Khe hở môi hai bên ít gặp hơn so với khe hở môi một bên. Trong trường hợp này, cơ vòng môi ở cả hai bên đều bám vào chân cánh mũi. Đây là điểm khác biệt với khe hở môi một bên, nơi cơ vòng môi bám vào chân cánh mũi ở bên khe hở và bám vào sụn vách mũi ở bên còn lại.
Ngoài ra, khe hở môi hai bên còn dẫn đến những sự biến dạng về sụn cánh mũi và sụn vách mũi khác hẳn với khe hở môi một bên. Tìm hiểu chi tiết tại mục Cấu trúc giải phẫu vùng mũi.
Khe hở môi hai bên
Tác động của khe hở môi
Khe hở môi có thể gây ra những tổn thương ở cả 3 lớp của môi: da, cơ và niêm mạc.
Tổn thương da: Khe hở môi gây khuyết tổ chức da, biến dạng các mốc giải phẫu của nhân trung và vùng da bên khe hở.
Tổn thương cơ: Cơ vòng môi mất liên tục và thiếu tổ chức cơ. Bên khe hở, cơ vòng môi bám vào chân cánh mũi, trong khi bên còn lại bám vào sụn vách mũi. Riêng với khe hở môi hai bên, cơ vòng môi cả hai bên đều bám vào chân cánh mũi.
Niêm mạc: Tình trạng thiếu tổ chức niêm mạc, biến dạng đường viền môi và ranh giới giữa môi đỏ khô và ướt.
Khe hở môi gây biến dạng cấu trúc giải phẫu và thẩm mỹ của khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn uống, hô hấp và phát âm của trẻ nhỏ. Quá trình điều trị toàn diện khe hở môi là một hành trình dài, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia y tế và gia đình. Phẫu thuật tạo hình khe hở môi là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình điều trị này.
Khi nào có thể phẫu thuật tạo hình khe hở môi ở trẻ?
Tùy thuộc vào mỗi trung tâm, kinh nghiệm của bác sĩ và tình trạng sức khỏe của mỗi trẻ mà thời điểm phẫu thuật có thể khác nhau. Một số trung tâm có thể tiến hành phẫu thuật sớm khoảng 1 tháng. Tuy nhiên, phần lớn các trung tâm và phẫu thuật viên đều ủng hộ thời điểm thực hiện phẫu thuật là quanh 3 tháng tuổi, khi trẻ đủ sức khỏe để trải qua một buổi phẫu thuật gây mê hồi sức. Cấu trúc môi mũi thời điểm này cũng đã được hình thành đủ vững chắc để quá trình phẫu thuật có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Phẫu thuật tạo hình khe hở môi được thực hiện như thế nào?
Nhiều kỹ thuật tạo hình môi mũi đầu tiên được áp dụng, tùy thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ và tình trạng tổn thương của trẻ. Một số trung tâm áp dụng chỉnh hình trước khi phẫu thuật, như phương pháp nắn chỉnh nasoalveolar (NAM). Tuy nhiên, việc áp dụng này phụ thuộc vào kinh nghiệm của trung tâm và sự hợp tác của trẻ.
Mục tiêu cuối cùng là phục hồi chức năng và thẩm mỹ môi mũi cho trẻ bị khe hở môi.
- Với tổn thương phần cơ: Giải phóng vị trí cơ bám sai tại chân cánh mũi và sụn vách mũi, chuyển hướng cơ và phục hồi tính nguyên vẹn của cơ vòng môi.
- Với tổn thương phần da và niêm mạc: Tăng chiều cao môi, tăng chiều dày niêm mạc môi và phục hồi tính thẩm mỹ của các mốc giải phẫu và đường viền.
Thời gian phẫu thuật tùy thuộc vào mỗi trung tâm, trình độ gây mê và kỹ thuật của mỗi phẫu thuật viên khác nhau, phổ biến dao động trong khoảng 3-4 tiếng. Cũng có thể tùy vào độ khó của ca mà có thể kết thúc phẫu thuật sớm hoặc muộn hơn. Đảm bảo kết quả tốt nhất vẫn luôn là ưu tiên quan trọng hàng đầu.
Cần lưu ý gì khi phẫu thuật tạo hình khe hở môi cho trẻ?
Kết quả phẫu thuật lần đầu có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị sau này, nên phụ huynh cần thăm khám và tư vấn kỹ với bác sĩ chuyên khoa. Nếu lần phẫu thuật đầu tiên không được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm, có thể dẫn đến biến dạng môi, mũi và cần phải sửa chữa sau này.
Dù một số biến dạng đã được chỉnh sửa trong lần phẫu thuật đầu tiên, khi trẻ lớn, cấu trúc vẫn thay đổi. Do đó, để hoàn thiện thẩm mỹ, trẻ có thể cần phẫu thuật thêm về môi hoặc mũi.
Tại sao tôi nên chọn bác sĩ Phượng?
Bác sĩ Phượng tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội và hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ nội trú phẫu thuật tại bệnh viện. Bác sĩ cũng đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa II về phẫu thuật tạo hình và thẩm mỹ tại Đại học Y Hà Nội, được cấp chứng chỉ hành nghề tạo hình thẩm mỹ của Bộ Y tế.
Bác sĩ Phượng có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật tạo hình khe hở môi, với đào tạo chuyên sâu từ các cơ sở uy tín. Bác sĩ thường xuyên thực hiện các ca phẫu thuật này và luôn đạt được kết quả tốt cho bệnh nhân.
Ngoài việc thực hành phẫu thuật tạo hình, bác sĩ luôn cập nhật những xu hướng, kỹ thuật tiên tiến của thế giới thông qua các khoá học đào tạo phẫu thuật tạo hình vùng môi (tạo hình khe hở môi, sẹo biến dạng môi, thu gọn môi,…) ở trong nước và quốc tế.